Mẹ, thơm một cái
Phan_11
Tôi buộc phải thừa nhận, sau khi mẹ ra viện, tôi liền thả lỏng rất nhiều, giống một cục c. dài dài đần độn, ngày nào cũng ngủ với Puma đến trưa mới dậy, bữa sáng đã có người nhà lo cho mẹ, tôi chỉ phụ trách đi chợ mua thức ăn chiều tối, và ở cạnh mẹ viết sách (lúc đó chúng tôi đã cùng xem xong phần chiếu lại của Nàng Dae Chang Geum và Nấc thang lên thiên đường, trở thành khán giản trung thành của tám kênh văn nghệ giải trí).
nói ra thì không chỉ mình mẹ tôi, mẹ vừa mắc bệnh, nhiều “điểm mù” trong nhà bỗng chốc lộ ra rõ mồn một, những “điểm mù” đó phản ánh rằng bình thường chúng tôi đã buông thả cho phép mình thờ ơ với gia đình này đến nhường nào.
Bình thường mẹ nghỉ ngơi trên lầu. Bởi vì nếu ở dưới tiệm, sẽ có rất nhiều khách quen, hàng xóm, nhân viên các công ty dược phẩm xúm lấy mẹ hỏi thăm động viên nọ kia, tuy là quan tâm, nhưng chắc chắn mẹ không nghỉ ngơi được, còn phải tốn sức nói chuyện, trình bày bệnh tình, rồi lại an ủi ngược lại mọi người về nhân tình thế thái, nên thà cứ ở trên lầu xem ti vi rồi ngủ. Vả lại, tiệm thuốc tầng một rất nhiều người lui tới, cũng không phù hợp “tự cách ly”.
Có một buổi tối đóng cửa tiệm thuốc xong, mẹ xuống làm sổ sách dấu má, lúc đi qua cây nước nóng lạnh, phát hiện trên bề mặt vỏ nhựa đầy bụi bẩn, mẹ lặng lẽ lấy khăn ra lau, khiến bọn tôi trông thấy thất kinh hồn vía, vội vàng yêu cầu mẹ nghỉ ngơi. Cứ như vậy, mỗi người đều ôm nỗi ăn năn và bứt rứt, bèn cầm khăn lên làm vệ sinh tủ thuốc và cửa kính, ngay cả người chưa từng cầm khăn lau là ba cũng đi tìm chỗ để lau. Bấy giờ mẹ mới lẩm bẩm sao không có ai để ý cây nước bị bẩn đến mức thế này.
Lại một buổi tối khác đóng cửa tiệm thuốc, chúng tôi đang ở dưới nhà bỗng ngửi thấy mùi trứng xì dầu quen thuộc, lên nhà tìm hiểu, quả nhiên mẹ đang lén lút vào bếp, làm món trứng rán xì dầu nhãn hiệu mẹ hiền mà tôi yêu thích nhất, trong nồi còn có canh cà chua sắp sôi. Cả nhà bật cười, xúm vào giúp mẹ lấy bát lấy đũa. Bóng dáng nhỏ bé của mẹ như con thoi chạy đi chạy lại giữa bếp với phòng ăn, mãi mãi là điểm khởi đầu của hương vị gia đình.
Mẹ kể một chuyện dễ thương về đón năm mới.
Hồi đó mẹ vẫn còn là một nhóc tì, ông ngoại đem nhóc tì mẹ đi khắp các nhà để chúc Tết. Ở dưới quê, nhà ai cũng nghèo, vật chất thiếu thốn, nhưng tình người lại nồng hậu lạ kỳ. Trong tay ông ngoại chỉ có sáu trái quýt, đến nhà ai ông cũng lấy ra hai trái cung kính đem tặng, ngồi ở phòng khách hàn huyên một hồi, lúc đứng dậy cáo từ, người trong nhà liền vào trong lấy ra hai trái quýt khác đem tặng lại, để ông ngoại tiếp tục đi chúc Tết nhà khác.
Cứ thế, tổng số quýt trên tay vẫn vậy, nhưng các trái quýt thì thay đổi liên tục, mẹ theo ông ngoại đi chúc Tết từ đầu làng đến cuối làng. Mọi người đều rất ăn ý – mà tôi gọi là một sự đồng thuận ấm áp.
Nhưng từ khi mẹ về nhà tĩnh dưỡng, không phải việc gì cũng được tốt đẹp. Lúc đó cả nhà luôn chìm trong một bầu không khí kỳ dị, và cũng có những xung đột ngấm ngầm ẩn chứa trong cuộc sống hằng ngày.
Ba trở nên rất nhạy cảm, rất dễ chán nản thất vọng, hoặc nổi cáu với người nhà chỉ vì những chuyện cỏn con. Ba cũng bắt đầu nghi ngờ những thành tựu của bản thân không được mọi người coi trọng, chẳng hạn như làm chủ tịch của rất nhiều công đoàn và chủ tịch xã đoàn Ratary v.v..., ba trở nên hơi mất phương hướng.
Từ sau khi mẹ mắc bệnh, ba coi việc rút lui khỏi xã đoàn Rotary là một hy sinh to lớn. Tôi thực sự không có cách gì đồng tình với ba, bởi vì chính ba còn không coi xã đoàn Rotary mà mình tham gia là một tổ chức tốt. Còn nhớ một lần trên xe đi Đào Viên viếng bà ngoại, ba lại nhắc chuyện này, tôi không kìm được nói với ba, anh cả cho rằng nếu mẹ không khỏi được bệnh, thì anh có lấy bằng tiến sĩ cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì thế đã xin phép giáo sư hướng dẫn trong trường cho nghỉ phép để tập trung chăm sóc mẹ, như thế mới gọi là hy sinh... Đem thứ rất quý giá, rất quan trọng của mình ra đánh đổi mới tính là hy sinh. Rút lui khỏi một tổ chức mà bản thân cũng không coi trọng thì tính làm gì.
Thực ra anh em tôi không phải không coi trọng sự nghiệp và các danh hiệu ba theo đuổi, nhưng cũng như anh cả khuyên ba, quả thật trong quá trình theo đuổi thành tựu của mình ba đã thiếu sự quan tâm. Rất nhiều quan tâm. Bắt đầu học cách dịu dàng từ bây giờ vẫn chưa muộn.
Ngoài ra, bà nội trở nên không biết làm gì. Bà rất muốn giúp đỡ, cũng rất cố gắng gắn mình vào hệ thống cơ cấu chăm sóc giúp đỡ mẹ, nhưng luôn luôn bất đồng quan điểm với mọi người trong vấn đề ăn uống. nói bất đồng quan điểm cũng không đúng lắm, bà nội là người luôn chấp nhận nhượng bộ, nhưng... bà cũng âm thầm duy trì một số nguyên tắc tiết kiệm của bản thân, và không muốn mọi người động chạm đến nguyên tắc của mình.
Lấy ví dụ, ban đầu bà nội không thích ăn đồ buffet chúng tôi mua về, hoặc chỉ ăn thức ăn dư thừa của bữa buffet trước, bởi bà nội cho rằng đồ ăn chúng tôi mua về chỉ để phục vụ một mình mẹ, không phải của cả nhà. Nếu chúng tôi mua gà rán và khoai tây chiên chứa nhiều calo từ hàng fastfood về (hồng cầu ưa thích nhất thứ này), thì bà nội sẽ giục mẹ ăn thật nhanh, còn nhấn mạnh đây là thức ăn chúng tôi đo ni đóng giày riêng cho mẹ, song bản thân bà lại không đụng đến.
Tính cách của tôi thuộc loại thế nào cũng được, tôi rất tôn trọng ý chí tự do của mọi người, nếu trong nhà có người bỗng nhiên thích ăn pháo đùng hoặc vụn thủy tinh, tôi sẽ chỉ phụ trách chụp ảnh lưu niệm. Nhưng anh cả thì lại có “tính cách cần có của người anh”, anh vắt óc tìm cách giải thích cho bà nội, và kiên trì rằng thức ăn mua về là để cả nhà cùng ăn, có gì ngon lành thì cà nhà cùng tẩm bổ, trong nhà không cần có người chuyên phụ trách thức ăn thừa. Có một tối, bà nội một mình đun món cá đã thiu định ăn, anh cả trông thấy nổi xung, bèn lấy cái tô to gắp hết thức ăn thừa ăn sạch, mới làm cho bà nội sợ quá phải nhượng bộ.
Dĩ nhiên bà nội cũng có những chỗ đáng yêu, mặc dù hai chục năm qua không có thực tiễn bếp núc, nhưng dưới sự hướng dẫn của mẹ, bà đã nấu ra một nồi gà hầm, được mẹ khen một câu “rất ngon”, thế là cả tuần tiếp đó ngày nào cũng gà hầm. Sau đó mẹ lại khen một câu canh khoai lang ngon, chúng tôi bèn trải qua một tuần hoành tráng toàn canh khoai lang.
May thay bầu không khí này đã được cải thiện khá nhiều, ngoài thứ không khí đó, rất nhiều họ hàng hoặc bạn học cũ lâu năm không gặp, thậm chí cả những người tôi không ngờ tới như chị Sài, đều nói là họ đã đọc Mẹ, thơm một cái của tôi đăng dài kỳ trên mạng. Hỏi tôi vì sao không viết tiếp...
Ôi! Vì phải cày bản thảo cho kịp đấy!
24/2/2005
Vậy thì bắt đầu kể từ ngày 14 tháng 1 năm 2005, mẹ nhập viện làm hóa trị lần thứ hai.
Lần thứ hai, thực tế chỉ làm hóa trị có năm ngày, tức là năm bịch Ara-C, bệnh viện không ai chịu đứng ra làm phẫn thuật đặt port-A (một loại mạch máu nhân tạo đặt giữa hai vai, có thể dùng hơi nửa năm), bác sĩ điều trị cũng chẳng đặt ống dẫn nhân tạo vào trong cánh tay – một phương pháp đơn giản hơn – nữa.
Mẹ đành lần lượt truyền dịch vào hai tay, cách ba ngày đổi một kim mới, nếu vừa phải truyền thuốc vừa phải truyền máu, thì hai tay đều bị chọc kim. Mẹ thì nhẹ cả người, dù sao phẫu thuật cũng luôn khiến người ta khiếp sợ, nhưng tôi và anh cả lại rất đau đầu. Bởi vì hai tay liên tục bị chọc kim như vậy, mạch máu lại rất yếu ớt, dễ gây ra các vấn đề như xơ cứng tĩnh mạnh v.v...
Trong khi mẹ còn bị lao phổi, sợ lây nhiễm cho các bệnh nhân khác, chúng tôi buộc phải lựa phòng cách ly đơn đắt đỏ, trừ đi bảo hiểm y tế, mỗi ngày phải trả 2500 tệ. Chậc chậc.
Phòng đơn dĩ nhiên khá là dễ chịu, tôi đặt laptop của mình lên bàn trà nhỏ, điên cuồng cày bản thảo. Tôi đã lần lượt chiến đấu với xê ri truyện Sát thủ, ba tập đầu Truyền kỳ về thợ săn mạng sống, tập truyện ngắn, bản thảo sửa lại Đồng nhân thứ tám của Thiếu Lâm tự trong một không khí như vậy.
một người bạn trên mạng, nick Nguyệt Quang Mẫu Nại nhắn tin cho tôi nói rất đúng, chất lượng phòng đơn đâu chỉ gấp đôi phòng hai người.
Ở phòng đơn, nói năng không cần thì thào, đồ dùng có thể quăng thoải mái khắp nơi, mỗi anh em đều có thể có chỗ cho mình, và quan trọng nhất là, có thể tùy ý đổi kênh ti vi. Thế là mẹ đều đặn xem Chuyện tình Paris, tiếp tục theo dõi Nấc thang lên thiên đường và Ngọt đắng cuộc đời trên các kênh phim ảnh. Còn tôi say sưa với kênh Animal Planet.
Animal Planet có một kỳ chuyên về hổ Bengal, khiến tôi rất ấn tượng.
Ống kính bám theo một con hổ cái mới sinh hai con (hổ đực đi đâu không biết). Hổ mẹ dũng mãnh thiện chiến, bản lĩnh hiếm có, một mình chăm sóc hai hổ nhóc ngây ngô vụng về, dạy chúng săn mồi, làm mẫu cách nín thở theo dõi, từng bước áp sát con mồi, dạy cách điều chỉnh nhịp điệu giữa lúc rình mồi với chồm lên vồ mồi, dạy cách cướp linh dương và ngựa vằn với cá sấu bên bờ sông v.v... Tôi xem hai chú hổ con động tác hệt nhau rạp mình trườn về phía đám linh dương đang ăn cỏ, nhưng mấy lần đều bị lộ khiến đang linh dương cảnh giác lảng xa, cảm giác rất thú vị.
Nhưng quãng thời gian yên ổn chẳng được bao lâu. Lúc hổ con hai tuổi, trên lãnh địa của ba mẹ con hổ sống nương tựa vào nhau đột nhiên xuất hiện một vị khách không mời... một con hổ đực rất lực lưỡng.
Tôi cứ ngỡ hổ đến hai tuổi đã trưởng thành rồi, nhưng nhìn trên màn ảnh, con hổ đực xâm phạm kia còn to gấp đôi, to hơn cả hổ cái. Người làm phim giải thích, hổ đến bốn tuổi mới đủ sức sống độc lập, khi đó nó sẽ rời xa hổ mẹ, đi tới nơi khác mở mang vương quốc của riêng mình. (Lãnh địa của hổ đực thường rộng gấp ba, bốn lần của hổ cái). Còn trước đó, chúng hoàn toàn không phải là đối thủ của hổ trưởng thành.
Trong giọng nói đầy lo lắng của người làm phim, tôi cũng bắt đầu thấp thỏm. Kẻ xâm nhập mang lại cho ba mẹ con nhà hổ mối uy hiếp rất lớn, người làm phim nhớ lại một quang cảnh rất tàn khốc được chứng kiến nhiều năm trước... Hổ đực tàn bạo giết chết hết cả đám hổ nhỏ không phải con mình. Trong tấm hình đen trắng, xác bảy tám con hổ con nằm thành dãy khiến người xem cũng thấy cay cay mũi.
Lúc này hổ mẹ vốn có trách nhiệm bảo vệ hai hổ con cũng phải đối mặt với nguy cơ mất con, bởi vì hổ đực liên tục đến quấy rối nó, ra mặt đòi giao phối.
Hổ đực hiểu rõ rằng, phải giết chết hai hổ con thì mới giải phóng được hổ cái khỏi “trách nhiệm làm mẹ”, nên đang rình rập cơ hội. Hổ mẹ không khoan nhượng, đã quyết liệt đánh lui hổ đực một lần, còn làm bị thương móng vuốt nó. Nhưng hổ đực vẫn lảng vảng xung quanh, đúng là lom lom như hổ đói.
Hổ mẹ hiểu rõ, nó không thể tiếp tục bảo vệ hai hổ con khôn lớn nữa. Nhưng nó vẫn chưa dạy hết các kỹ năng sinh tồn cho hai đứa con. Trong tình trạng đó, dù hổ con rời mẹ đi tới nơi khác, rất có thể sẽ chết đói hoặc bị các loài mạnh hơn săn diệt.
Trong tiếng gầm gừ trầm thấp của hổ đực khi xa khi gần, hổ mẹ đã cân nhắc suốt mấy ngày.
Cuối cùng, người làm phim ghi lại một hình ảnh không ngờ.
trên con đường rừng, hổ mẹ nằm ra đất, ra hiệu cho hai hổ con. Hai hổ con bèn sán lại bên cạnh, nũng nịu ngậm bầu vú đã hết sữa từ lâu. Hai con hổ cũng đã cai sữa từ lâu đang tỏ ra vô cùng quyến luyến quấn lấy nhau.
Ba con hổ dùng dằng rất lâu. Sau cùng, hai hổ con đứng dậy, ngẩng đầu sải bước ra đi trong tiếng gầm trầm trầm của mẹ. Rời bỏ người mẹ đã không tiếc mọi giá để bảo vệ chúng như thế.
“... Vậy là từ biệt rồi sao?” Người làm phim lẩm bẩm.
Tôi xem cảnh tượng lạ lùng đó mà ngẩn người, có khác gì trong phim hoạt hình Disney đâu.
Người làm phim vẫn kiên trì theo dõi phần tiếp theo của câu chuyện. Năm tháng sau, con hổ cái lại mang bầu. Hổ đực trước đây đe dọa nó bây giờ lại trở thành kẻ che chở cho nó và các con mới sinh. Nhưng hai hổ con ra đi thì không rõ tung tích, rất có thể đã chết đói trước quy luật đào thải vô tình của tự nhiên.
Mãi đến một ngày, người làm phim đang đi tuần tra trên xe jeep, đến một khoảnh rừng thì thấy một trong hai con hổ con (mang đặc điểm cụt đuôi). Hổ con hai tuổi rưỡi mặc dù gầy gò, nhưng cuối cùng đã kế thừa được sự tự tin của hổ mẹ, gầm vang trước con gấu lợn hung dữ, khẳng định lãnh địa của mình, sau một hồi giằng co nó đã đuổi được gấu lợn đi.
“Chúng ta có thể khẳng định, ít nhất hổ mẹ đã thành công với một hổ con sống sót.” Người làm phim nói.
Đây không phải là câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn, tôi cũng chẳng thấy rõ bài học gì từ bộ phim tài liệu này, nhưng trước màn ảnh ti vi giữa đêm khuya, tôi xúc động đến không kìm nén được.
Chuyện kể thêm
Trong quá trình chăm sóc mẹ, xảy ra rất nhiều tình trạng “cố gắng nhiều nhất chưa hẳn là tốt nhất.”
Chúng tôi lo bầu không khí im lặng quá mức khiến mẹ dễ “nghĩ nhiều”, nên hay kể những chuyện buồn cười trong cuộc sống cho mẹ, nhưng có lúc lại phản tác dụng.
Mẹ bắt đầu khó chịu với các “tiết mục” của chúng tôi, cảm thấy chúng tôi cứ chăm chắm vào việc chọc cho mẹ cười mà quên mất mẹ đang không khỏe, không có tâm trí đâu hưởng ứng chúng tôi. Vì vậy mẹ trịnh trọng cảnh cáo chúng tôi đừng chọc cười mình mọi nơi mọi lúc như thế, cũng yêu cầu tôi đừng làm những tư thế kỳ quặc gây cười nữa, mẹ nhìn thấy chỉ càng buồn. Tôi quả thật có chút bẽ bàng, nhưng đặt mình vào vị trí của mẹ, thấy mấy trò gây cười bị phản tác dụng như vậy cũng hợp logic thôi.
Đợt hóa trị thứ hai thuận lợi không ngờ.
Mẹ nói rất thiêng, cuối cùng mẹ đã đòi được ông Trời trả lại công bằng. Chỉ sốt vỏn vẹn ba ngày, tình trạng của mẹ đã bắt đầu ổn định. Sau đó kết quả xét nghiệm các chỉ số máu đều khả quan, nên chỉ nằm viện mười tám ngày, bác sĩ đã tuyên bố mẹ có thể ra viện. So với bốn chục ngày dằng dặc đợt trước quả là Trời xanh có mắt.
Tuyên bố này của bác sĩ khiến chúng tôi thở phào. Bởi vì chỉ còn cách đêm giao thừa không đầy một tuần, chúng tôi rất hy vọng mẹ có thể đón Tết Nguyên đán tại nhà.
Trong đợt điều trị được coi là thuận lợi này, mẹ và chúng tôi đều rất biết ơn chị y tá gặp từ đợt hóa trị thứ nhất, Vương Kim Ngọc. Chị Kim Ngọc chăm sóc mẹ rất cẩn thận, cũng nói chuyện nhà chuyện xóm với mẹ, khiến mẹ hết sức vững tâm tin cậy. Lần nằm viện này, mẹ rất lo sợ lại trắc trở như lần trước, tâm trạng vô cùng bất an nên anh cả bàn với tôi mặt dày đến phòng hộ lý mời chị Kim Ngọc đến phòng bệnh “củng cố tinh thần” cho mẹ.
Chị Kim Ngọc khi biết địa vị của mình trong lòng mẹ rất cao cũng cảm động, kể cả những ngày không trực kíp chăm mẹ chị cũng tranh thủ ghé thăm trước khi ra về, trò chuyện với mẹ một lúc mới đi. Chị Kim Ngọc nói, được bệnh nhân ghi nhớ và hết lòng tin tưởng mình là niềm tự hào lớn nhất của chị kể từ khi làm y tá.
Ôi, thực ra là chúng tôi vui mừng mới phải, gặp được một y tá tốt như vậy có thể giải tỏa những mệt mỏi thỉnh thoảng lại hành hạ mẹ.
Trong bệnh viện, chúng tôi gặp đủ loại y tá. Có những y tá giống chiến sĩ, mỗi động tác đều nhanh như điện xẹt, làm chúng tôi lắm lúc cũng căng thẳng theo. Có những y tá rất ghét nói chuyện với bệnh nhân, có y tá lại chủ động gợi chuyện bệnh nhân. Có y tá giọng rất lớn, lần nào vào phòng cũng hừng hực tinh thần, nhờ đó chúng tôi cũng lây được không ít sức sống.
Theo quan sát của tôi, thông thường các y tá đã có con sẽ tâm lý hơn, nhưng bất luận là loại thiên thần áo trắng nào, người coi công việc là một “nghề” hay một “chí hướng”, sẽ lộ rõ sự khác biệt qua các động tác chăm sóc bệnh nhân.
Chúng tôi không thể đòi hỏi nhiều hơn, nhưng luôn cầu mong được may mắn.
25/2/2005
hiện tại mẹ đã đón Tết ở nhà xong xuôi, quay lại Chương Cơ để khám lại, bắt đầu đợt hóa trị thứ ba.
Do mẹ bị nhiễm lao phổi, chúng tôi vẫn phải ở phòng đơn, vừa bảo vệ người khác, vừa biệt đãi bản thân.
Trong tình cảnh giường bệnh chật ních, mẹ quay về nhà nghỉ ngơi thêm một tuần, tôi cũng có thể thực hiện kế hoạch từ trước, tham gia hoạt động ký tặng sách mới Truyền kỳ về thợ săn mạng sống tại Đài Bắc trong triển lãm sách quốc tế, nhân tiện đến Y khoa Đài Bắc lấy tài liệu chẩn đoán (tôi bị thoát vị đĩa đệm, nhưng sành điệu hơn nữa là tôi còn bị nứt đốt sống bẩm sinh, ảnh chụp cộng hưởng từ rất phong độ, đang tính sẽ đưa vào phần giới thiệu tác giả của cuốn sách nào đó). Mong sao bác sĩ tái khám có thể phát hiện hết các “chân tơ kẽ tóc”, và tôi có thể làm lính nghĩa vụ thay thế (do thể trạng) trong vài ngày, để còn có thể ở Chương Hóa chăm sóc mẹ, nếu không thật khó tưởng tượng nửa năm sau, anh trai đi nghĩa vụ quân sự, thằng út đi thực tập sư phạm, ai sẽ tiếp tục chăm sóc mẹ như bây giờ.
“Xin lỗi, thì ra con từ trong bụng mẹ đã thế này rồi.” Lúc nghe thấy bảo tôi bị phía cuối ống tủy không khép lại như người bình thường, mà loe ra, tạo thành mấy u nang thần kinh ở cuối tủy sống, mẹ đã xin lỗi một tôi một cách đáng yêu như thế.
“A? Đó là chỗ con trữ các cảm hứng sáng tác mà.” Tôi làm như sực hiểu. “Hóa ra để ở đây mà mãi không biết, hèn gì con viết mãi không xong được truyện.”
Hôm nay là ngày thứ năm của đợt hóa trị thứ ba, mẹ bắt đầu thấy kém ăn, đường ruột cũng ấm ách khó chịu, nhưng vẫn tranh thủ cố gắng ăn. một giờ đồng hồ trước lợi dụng lúc dạ dày còn đơ đỡ, mẹ đã chén một củ khoai lang nướng to bằng bàn tay, nóng hôi hổi.
Mẹ đang ở bên cạnh tôi, đeo kính lão, cầm xem tờ tạp chí Next Magazine rất đẹp. Mẹ xem tạp chí cũng như đọc sách, luôn chăm chú lật từng trang từ đầu đến cuối. Gặp phải tin lá cải về một ngôi sao nào đó mà mẹ không biết còn cố tìm hiểu đầu đuôi. “Mẹ sợ mình bỏ sót chỗ nào đó.” Mẹ giải thích.
một lần nữa trở lại Chương Cơ, rất nhanh đã khôi phục nhịp điệu chăm sóc mẹ như trước. Các tiệm bán đồ ăn xung quanh đây có những món gì tôi đều nắm rõ ràng, mặt mũi người bán tôi cũng thuộc cả.
hiện tại lượng bạch cầu của mẹ chưa bắt đầu giảm, vài ngày nữa sẽ đến giai đoạn thường xuyên sử dụng nhiệt kế để ghi chép tình hình thân nhiệt của mẹ. Mong sao cho lần này mẹ cũng được thuận lợi như đợt hóa trị thứ hai.
Để tranh thủ mọi cơ hội “truyền đạo”, trong cầu thang máy ở Chương Cơ hay treo những “câu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn”, rất lâu thay mới. Các “câu chuyện” ở các thang máy không mấy giống nhau, tuyệt đại đa số đều hết sức nhạt nhẽo. Nhưng có một số câu chuyện viết khá thú vị, nếu một lần đọc không hết, con người tò mò nghiêm trọng là tôi sẽ tìm cách đi đúng cái thang máy đó vào lần sau. Có một lần, để đọc hết phần kết luận rất vô lý của một “câu chuyện nhỏ” kỳ cục, nửa đêm tôi đã đợi cho kỳ được cái thang máy đó mới xuống lầu.
Đây là tập ký sự về quá trình đồng hành sẻ chia bệnh tật đầy tình mẫu tử, nên tôi cũng viết một câu chuyện nhỏ liên quan mà tôi ấn tượng nhất.
Nghe nói ở nước ngoài có một trung tâm nghiên cứu động vật đã làm một thí nghiệm “thú vị”. Nghiên cứu viên lén thay trứng gà bằng trứng chim trĩ, không ngờ, gà mẹ chỉ ngơ ngác một lúc rồi tiếp tục ấp quả trứng chim trĩ. Chim trĩ con nở ra, nghiên cứu viên kinh ngạc thấy gà mẹ bắt đầu bới đất tìm sâu rồi mớm cho chim trĩ con vì loài này vốn không ăn thức ăn công nghiệp.
Nghiên cứu viên tiếp tục phát huy tinh thần thí nghiệm, lần này đổi trứng gà đang ấp bằng trứng vịt, xem vụ gì xảy ra. Kết quả vịt con ra đời không lâu sau, gà mẹ vốn không biết bơi đã dẫn vịt con đến bên hồ, để vịt con tự làm quen dần với nước, gà mẹ ở bên cạnh trông nom.
Dù là chim trĩ hay vị con, gà mẹ đều dùng “trí tuệ” của mình nhận biết những khác biệt của những con vật nhỏ so với mình, và dùng tình mẫu tử để tìm ra phương thức nuôi dạy tương ứng. Vì vậy kết luận của câu chuyện nhỏ dán trong thang máy này ngoài việc chỉ rõ trí óc của gà mẹ cao hơn chúng ta tưởng, còn nói cho chúng ta biết rằng tình mẫu tử thật vĩ đại và bao dung.
Nhưng tôi lại nghĩ, nếu gà mẹ đã thông minh như vậy, thì đằng sau những thí nghiệm “thú vị” kia, con gà mẹ lặng lẽ hy sinh này chắc chắn đang rất nhớ thương quả trứng của mình không biết bị lấy đi đâu mất.
Hôm qua Chuyện tình Paris đã chiếu xong, mẹ đang xem chiếu lại Bản tình ca mùa đông.
nói thật, tôi không thích Bae Yong Joon, không rõ lắm tại sao, có thể tình cảm của tôi đối với các ngôi sao đều dựa vào trực giác chăng, cho nên cũng không ghét anh chàng siêu nhân bánh bao đeo kính này đến mức cho vào danh dách “mười người tôi phải tẩn cho một trận nếu tôi biến thành người vô hình.”
Bộ phim Hàn Chuyện tình Paris có một câu thoại kinh điển rất hay: “Anh không có kỷ niệm, chỉ có trí nhớ.” Dĩ nhiên câu này có nhiều phần trăm là chơi chữ, nhưng cũng khiến ta bất giác cảm động.
Ở bên cạnh mẹ và viết về những kỷ niệm với mẹ, cảm thấy chẳng có gì mâu thuẫn, mà còn như một sự ăn ý rất thần bí.
Nhớ lại những năm tháng ngày nào cũng ăn cơm hộp mẹ làm.
Vì tiết kiệm tiền ăn, từ hồi tiểu học mẹ đã thường xuyên chuẩn bị cơm hộp, đưa ba mang tới trường cho tụi tôi. Nếu bận quá thì mới cho bọn tôi năm chục một trăm đồng ra căng tin trường ăn tạm. Hồi bé như vậy đã đành, lên cấp ba vẫn còn bị đưa cơm tới trường thật ra hơi mất mặt, như thể mãi không chịu lớn vậy. Có lúc ba tới muộn, tôi còn phải ăn hết hộp cơm thật nhanh để kịp giờ học.
Về cơm hộp mẹ làm, các bạn xung quanh đều rất tò mò, hoặc là “giúp tôi tò mò” về thực đơn bên trong. Nếu xuất hiện cơm rang đỏ mà tôi thích nhất, mọi người sẽ rất ngưỡng mộ, Gãi Háng và Đần Độn thỉnh thoảng sẽ chạy lại hỏi tôi có cái gì tôi không ăn không, sau đó cầm đũa chuẩn bị tấn công.
Nhớ lại vụ cơm hộp, bèn nhớ tới hai câu chuyện nhỏ.
Từ năm đầu trung học phổ thông, tôi đã biết rõ nữ sinh đẹp nhất khóa này là cô nào học lớp nào (đúng vậy, chuyện này trong vòng một tháng sau khai giảng đã phải nắm rõ, đây là trách nhiệm của chủ tịch hội thị dâm), chúng tôi đặc biệt hiệu cho cô ấy là “ cô gái”!
Mỗi lần tôi ra cổng bên lấy cơm hộp, chuẩn bị quay lại lớp học, đều đi ngang qua cô gái ở hành lang. nói ra hơi vô lý, nhưng tôi cứ cảm thấy cô gái cố ý đứng ở hành lang, để cho tôi “ngang qua”. Mặc dù linh hồn của tôi háo hắc, nhưng bên trong cơ thể tôi lại cũng có một thằng láo lếu tên là “ngượng ngùng”. Do đó dù tôi rất để ý cô gái, nhưng lúc thực sự đi ngang qua cô ấy, tôi không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt cô, chỉ chăm chăm nhìn phía trước, rồi dùng một cái liếc mắt kỳ diệu để cảm nhận vóc dáng xinh đẹp của cô. Nhưng lần gặp nào cũng vậy, thân hình tôi cứ thẳng đờ ra mà đi ngang qua.
cô gái có lúc đứng một mình, nhưng đa phần là đang nói chuyện cùng một cô gái khác.
cô gái lúc nào cũng cắt tóc ngắn, lúc mặc đồ thể thao màu da cam rất đáng yêu.
cô gái khi mặc đồng phục váy bó, đường nét đôi chân đẹp khôn tả.
cô gái rất giống Lý Lệ Trân ngây thơ, không ai cưa đổ được.
Thoạt nghe như lời tựa tiểu thuyết tình yêu học trò, nhưng lại không có nội dung, bởi vì tôi trước sau đều không phải nhân vật chính. Chẳng mấy lâu, tôi đã lên năm cuối trung học phổ thông, bắt dầu ngờ ngợ cô ấy hình như hơi thích mình, nên mới để tôi “ngang qua” suốt cả ba năm?
Mặc dù tôi đã không cao ráo, tóc lại xoăn thảm hại, hành vi còn ngang ngược, cả khóa đều biết tôi thích một nữ sinh khác của ban xã hội, nhưng... dù gì trước nay tôi đã là một kẻ điên rồ nổi danh trong trường, lại luôn khiến mọi người tưởng lầm rằng mình rất thông minh. Những điều đó đối với một cô gái không ai cưa đổ, biết đâu, lại là “điểm sáng” của tôi?
Càng nghĩ ngợi lung tung như vậy, tôi lại càng chỉ dừng lại ở nghĩ ngợi lung tung mà thôi. không thể tiến tới được.
Mãi đến một ngày sắp sửa tốt nghiệp, mọi người đều ngồi trong lớp học ký tên vẽ hình lên cặp của nhau, nắng rót dọc hành lang, tôi lại cầm hộp cơm nhãn hiệu mẹ hiền “ngang qua” cô gái.
Đột nhiên, một tiếng quát chấn động bên tai...
“Tự phụ vừa thôi!”
Ô! Tôi khựng người, ngoảnh mặt sang nhìn, cô gái kia đỏ mặt bạnh cổ, trừng mắt nhìn tôi.
Tôi không biết nói gì, cơ thể vô thức mang tôi về lớp học, không “làm gì cả”.
Đúng vậy, tôi không làm gì cả, chỉ ngồi bần thần tại chỗ của mình trong lớp, tim cứ thế đạp thình thịch. nói thật, cực kỳ hưng phấn, đầu óc liên tục tái hiện khung cảnh bẽ bàng lúc đó.
Tại sao cô gái lại bảo tôi “tự phụ vừa thôi”? rõ ràng tôi không hề nhìn cô ấy mà. Làm sao cô ấy biết tôi đã thích cô từ trước? (Đồng thời thích nhiều nữ sinh khác nữa, đây là con đường rèn đúc linh hồn mà mỗi thằng đàn ông kiên nghị bắt buộc phải trải qua).
“Này Đằng, cô ấy hẳn có tình ý với chú.” Bưởi nói.
“Này Đằng, tôi thấy chú nghĩ hơi nhiều rồi.” Kỳ Nhông nói.
“Này Đằng, tôi thấy chú nên hỏi cô ấy cho rõ ràng.” Đình Bát nói.
Rốt cuộc sự thật là gì, tôi thực sự không biết.
Nhiều khả năng là cô gái cho rằng tôi cho rằng cô ấy thích tôi, cho nên cô bèn cho rằng cái thằng cho rằng cô ấy thích hắn là một kẻ rất tự phụ, trong khi cô ấy chỉ thích đứng ở hành lang để nói chuyện mà thôi. Thế nên mới quát tôi, biểu lộ sự phẫn nộ?
Nhưng cũng có khả năng là, cô gái nhận ra một mỹ nữ như mình, sao tôi lần nào ngang qua cũng không thèm nhìn cô ấy lấy nửa con mắt? Thế nên đã đoán ra rằng tôi chính là loại con trai “không dám mở mồm nói chuyện với đối tượng mình thích giữa chỗ đông người”, còn cô lại đã một lòng thích tôi, cho tôi ba năm để bắt chuyện với mình, nhưng tôi đã lãng phí tất cả... Tổng cộng lãng phí mất hơn chín trăm cơ hội, cuối cùng cô không chịu nổi đã phải quát lên, hy vọng tôi kịp trước khi tốt nghiệp cưa cô ấy một hai lần. Nhưng mà, nếu lỡ sự thật không phải như vậy thì rõ ràng tôi đã quá tự phụ.
Tôi không có máy thời gian, đành lặn ngụp giữa những kỷ niệm ngô nghê, ngẩn ngơ nhìn đôi chân không tì vết của cô gái.
Câu chuyện thứ hai về cơm hộp, rất tức cười.
Mũi tôi hơi kém, từ nhỏ luẩn quẩn với viêm xoang và viêm mũi dị ứng. Suốt ba năm trung học phổ thông, mẹ làm nước cỏ mèo pha chút mật ong đựng vào cốc nhựa trong suốt, đưa kèm với cơm hộp cho tôi.
Vào năm 1993, thực phẩm hữu cơ còn chưa thành phong trào, nước cỏ mèo xanh biếc rất kỳ dị, mùi vị lại càng khó tưởng tưởng, mọi người không thể biết đó là thứ quái đản gì. Có lần mẹ không thêm mật ong mà đổ bừa sữa bột vào, tạo thành hợp chất mờ đục nhờ càng kinh hồn táng đởm.
Cậu bạn họ Tạ ngồi bên cạnh thấy tôi hay bị mũi làm một hơi hết sạch nước ép cỏ mèo, bèn tò mò hỏi tôi đó là gì. Tôi là đứa hở ra là bịa chuyện, bèn tiện mồm bảo: “Đây là nước xay từ xác tằm, vừa thơm vừa đặc nhé.” không ngờ cậu họ Tạ ngồi bên cười nhạt bảo, mày chém gió.
Tôi chém gió á? hắn đã vô tình kích thích ý chí tùy hứng hào hùng của tôi rồi.
“Tại vì mũi tớ không tốt, bác sĩ Đông y nói xay nhộng tằm thành nước có thể chữa mũi, nhưng rất chi khó uống nên phải pha mật ong. Mật ong cũng có tác dụng chữa mũi mà, không tin cậu uống thử xem.” Tôi đưa cho bạn Tạ ngửi thử, hắn lập tức chau mày bảo, đúng là có vị buồn nôn.
Về sau, bạn Tạ ngốc nghếch trở thành tín đồ ngoan đạo của “nước nhộng tằm”. Mỗi khi có người khác hỏi tôi uống cái gì thế, hắn lại cướp lời ra vẻ hiểu biết: “Nước nhộng tằm, thật đấy, buồn nôn lắm!”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian